VỢ CHỒNG KHẮC KHẨU THÌ CÒN YÊU NHAU NỮA KHÔNG?
Tại sao khi hai người thân mật với nhau thì nói nhỏ mà khi cãi nhau thì la to?
Bởi vì khi thân mật thì hai tâm hồn ở rất gần, nhiều khi chẳng cần nói chỉ cần nhìn ánh mắt, cử chỉ là hiểu đối phương muốn gì và biết chính xác mình cần cho đi và nhận lại ra sao? Những phút giây bên nhau dù ở đâu, trong bối cảnh không gian như thế nào, chỉ cần tĩnh lặng để nghe nhịp tim của đối phương cũng làm ta thấy bình yên, hạnh phúc. Dường như mọi thứ chậm lại để hai tâm hồn được hòa tan vào nhau. Thật tuyệt vời với những cảm xúc thương yêu đủ đầy như vậy.
Nhưng khi hai người giận nhau thì hai tâm hồn dường như xa nhau, mà càng xa nhau thì càng phải nói to để đối phương nghe được rõ hơn, mà khi đối phương càng nghe không rõ thì càng phải nói to hơn nữa. Đôi khi nói to rồi vẫn lo lắng rằng đối phương không nghe được rõ. Người ngoài cuộc cũng như trong cuộc lại hiểu là đang cãi nhau. Mục đích nói to để đối phương hiểu mình hơn, và thương yêu mình trở lại, không còn giận mình hay hiểu sai về mình nữa. Thậm chí muốn chứng minh ngầm với đối phương rằng “em hay anh vẫn đang kiên nhẫn ở đây để hàn gắn tình cảm bằng cách nói to, bằng cách trao đổi, và không bỏ cuộc”.
Vậy bản chất của khắc khẩu đơn giản chỉ là vì quá thương, quá yêu, quá mong cầu đối phương sẽ nghe rõ, sẽ hiểu được tâm tư của mình truyền tải chứ kì thực không phải mình hết thương. Nói to càng không có nghĩa là không còn thương nhau nữa, thậm chí là quá thương nên mới có cảm giác rối bời, ngôn từ và hành vi lẫn lộn. Vì họ chưa biết cách truyền tải như thế nào cho đối phương hiểu mình hơn, và có một chút bất lực trong việc giao tiếp, điều đó gây ra sự hiểu lầm to lớn cho đối phương.
SỰ THẬT LÀ VỢ CHỒNG KHẮC KHẨU LÀ CÒN RẤT YÊU NHAU!