Báo Phụ nữ Online đưa tin về bộ phim “Nhà là nơi tổ ấm”
PNO – Vợ chồng anh Tony Thụy – chị Vera Hà Anh thực hiện bộ phim vừa là một kỷ niệm của gia đình vừa để lan tỏa thông điệp trân quý tổ ấm.
Xem phim ngắn Nhà là nơi tổ ấm (ra mắt ngày 23/7/2023 tại TPHCM), nhiều người nhận ra chính mình trong những tình tiết cặp vợ chồng suýt đẩy nhau lao khỏi “con tàu hôn nhân”. Điều đặc biệt của phim ngắn này không phải ở giá trị nghệ thuật mà ở chỗ diễn viên chính là cặp vợ chồng “tay ngang”: anh Tony Thụy – chị Vera Hà Anh (tiến sĩ tâm lý thực hành, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn tâm lý và đào tạo Vera, Hà Nội). So về trải nghiệm “nghệ thuật” thì chị nhỉnh hơn anh đôi chút vì chị từng đăng ký học khóa diễn viên nhưng khóa bị hoãn vì COVID-19, còn anh thì ngay cả đăng ký học cũng chưa kịp.
Với những cảnh quay khó, nhất là phân đoạn ngoại tình, anh thể hiện cứ bị sượng, phải diễn đi diễn lại. Các bạn quay phim trêu: “Thì anh cứ làm như bình thường của anh”. Anh nhăn mặt, cười đáp: “Anh có bao giờ làm vậy đâu”. Cố lắm anh mới diễn nỗi cử chỉ lén lút, ánh mắt “gian gian” khi nhắn tin cho bồ và đã được vợ duyệt.
Là biên kịch, viết lời ca khúc nhạc phim, đảm nhận vai nữ chính, chị Vera Hà Anh kể tỉnh bơ: “Tôi có được học bao giờ đâu mà biết là khó”. Vợ chồng chị thực hiện bộ phim này vừa là một kỷ niệm của gia đình vừa để lan tỏa thông điệp trân quý tổ ấm. Phim Nhà là nơi tổ ấm sẽ được công chiếu trên tất cả kênh truyền thông của Vera Hà Anh vào ngày 1/8/2023.
Chị thú thật một số tình tiết trong phim được rút tỉa từ cuộc sống hôn nhân ngột ngạt của chị từ tuổi 24 xanh và non với đủ cung bậc kể cả cãi vã, xung đột, bạo lực. Chị bế tắc, loay hoay trước câu hỏi “điều gì đã khiến người từng yêu thương mình không còn yêu thương mình nữa?”. Chưa trả lời thông thì chị bị trầm cảm nặng. Một tiếng động nhỏ trên giường cũng có thể khiến chị hoảng sợ, chìm vào hôn mê. Khi đóng phim, chị vào ngọt những cảnh đau đớn, gào khóc khiến cả phim trường phải “hoảng vía”.
Từ trải nghiệm bi kịch hôn nhân chỉ vì thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng, chị đi học thay đổi bản thân và trở thành người chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho người khác. Để rồi qua những phong ba, chị vẫn luôn ở đây, tựa vào vai chồng, trao nhau một nụ hôn dịu êm. Ở ngoài đời thực hay trên sân khấu, anh chị vẫn tay trong tay, trao lời yêu thương bên cạnh các con và học viên.
Theo anh chị, kiến thức xây dựng hôn nhân gia đình là một lỗ hổng mà người ta chưa thể lấp đầy dù ngày nay khoa học kỹ thuật, công nghệ rất phát triển. Người ta vẫn thần thánh hóa tình yêu, cho rằng không cần trang bị chìa khóa nào vì niềm tin đã khóa chặt tim nhau. Đến khi bước vào hôn nhân, dần vỡ mộng vì không thể dung hòa được những vấn đề mẹ chồng – nàng dâu, mâu thuẫn về quản lý tài chính hay chốn phòng the… Kể cả giao tiếp vợ chồng, không chỉ cứ mở miệng là nói mà cần học để lắng nghe, chia sẻ, thấu cảm.
Chị Vera Hà Anh đúc kết: “Đừng thấy khắc khẩu hay ngoại tình mà vội buông cũng như thấy êm ấm, hạnh phúc mà chủ quan, thiếu đề phòng. Mọi thứ đều là vô thường, nay còn mai mất. Trong tình yêu, cảm xúc là đã đủ nhưng trong hôn nhân cần can đảm, bao dung, tình yêu thương và hơn thế nữa… Mắc sai lầm trong hôn nhân là bình thường nhưng sửa sai, gây dựng lại hạnh phúc gia đình mới thực sự là điều phi thường”.